Cách vệ sinh mũ bảo hiểm fullface

1. Làm sạch tấm che mũ bảo hiểm

Phần kính che đằng trước mũ bảo hiểm là phần giúp bạn che nắng, che mưa, chắn bụi… Vì thế, sau một thời gian sử dụng, tấm che mũ bảo hiểm sẽ có rất nhiều bụi bẩn và bị mờ do hơi nước. Do đó, bạn cần chú ý làm sạch kỹ càng phần này.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Đầu tiên, bạn thấm ướt khăn giấy với nước ấm và dầu gội. Sau đó đắp khăn giấy lên mặt ngoài của phần kính che mặt để làm ẩm và hòa tan các chất bẩn đang dính chặt vào tấm kính che bên ngoài.
  • Bước 2: Sau khi đắp khăn lên bề mặt kính che một lúc, bạn lấy khăn ra và lau sạch bên ngoài bằng khăn giấy sạch mới. Bạn tiếp tục lấy một chiếc khăn sạch khác thấm nước và dầu gội đầu, nhẹ nhàng lau bên trong phần kính che mặt. Hãy cẩn thận không chà xát bên trong mặt kính vì có thể làm xước đi các lớp phủ, ví dụ như lớp phủ chống tia UV, lớp phủ chống sương mù…
  • Bước 3: Dùng khăn giấy sạch vỗ nhẹ bên trong sau khi đã lau sạch bụi và để khô tự nhiên. Sau khi đã khô ráo, bạn chỉ cần dùng nhựa đánh bóng làm sạch bên ngoài lớp kính che mặt là xong.
Làm sạch tấm che mũ bảo hiểm

2. Vệ sinh mũ bảo hiểm có lớp lót có thể tháo rời

Khi tiến hành vệ sinh mũ bảo hiểm có lớp lót bên trong có thể tháo rời, bạn hãy tháo các phần lót bên trong ra và giặt riêng với phần vỏ của mũ bảo hiểm.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Lấy các lớp lót và miếng đệm ra, giặt chúng trong máy giặt chung với quần áo thông thường theo chế độ giặt cho loại quần áo mỏng (Dedicate cycle). Trong lúc đó, ngâm lớp vỏ bên ngoài vào một chậu nước ấm.
  • Bước 2: Thêm một số chất tẩy rửa tốt để hòa tan dầu mỡ và bụi bẩn tích tụ bên ngoài vỏ. Dùng bàn chải mềm chà sạch vỏ mũ bảo hiểm cả bên trong và bên ngoài, cho đến khi vỏ sạch hoàn toàn.
  • Bước 3: Sau khi đã rửa sạch, bạn dùng khăn giấy lau khô lớp vỏ và dùng một ít chất đánh bóng nhựa lau sạch tiếp vỏ bên ngoài cho đến khi sáng bóng. Cuối cùng, lắp lại các bộ phận bên trong và lớp đệm mới giặt, gắn lại tấm kính che mặt là hoàn thành công đoạn vệ sinh mũ bảo hiểm có lớp lót có thể tháo rời.
Vệ sinh mũ bảo hiểm có lớp lót có thể tháo rời

3. Cách vệ sinh mũ bảo hiểm khi lớp lót không thể tháo rời

Việc làm sạch loại mũ bảo hiểm xe máy fullface không thể tháo rời sẽ có chút khó khăn hơn nên sẽ tiến hành làm sạch mũ bảo hiểm từ trong ra ngoài.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Đầu tiên, bạn hãy đổ đầy nước ấm vào thau nước và cho hoàn toàn mũ bảo hiểm vào, sau khi làm ẩm hãy thêm một ít dầu gội.
  • Bước 2: Dùng bàn chải mềm chà rửa bên trong các bộ phận của mũ bảo hiểm, phụ kiện… Khi đã đảm bảo các vết bẩn được loại bỏ hoàn toàn bên trong mũ, bạn xả sạch lại bằng cách ngâm mũ vào thau nước sạch.
  • Bước 3: Tiếp tục đổ đầy nước vào thau khác và thêm một số chất tẩy rửa nhẹ nhàng để loại bỏ các mảnh vụn của bụi, vết dầu máy, nước mưa tích tụ trên phần vỏ bên ngoài. Dùng khăn mềm lau sạch vỏ và tiếp tục cho đến khi bạn hài lòng. Một lần nữa, xả mũ bảo hiểm trong một chậu nước ấm để làm sạch.
  • Bước 4: Dùng khăn giấy khô lau bên ngoài mũ bảo hiểm và dùng nhựa đánh bóng lau bề mặt bên ngoài giúp mũ bảo hiểm trông sáng bóng như mới. Cuối cùng, bạn chỉ cần gắn lại tấm kính che mặt, đợi lớp lót khô hoàn toàn là có thể sử dụng.
Cách vệ sinh mũ bảo hiểm khi lớp lót không thể tháo rời

Cách Vệ sinh mũ bảo hiểm ¾

Tương tự như các loại mũ bảo hiểm fullface, nón bảo hiểm ¾ vẫn cần được vệ sinh định kỳ vì các vi khuẩn bên trong nón dễ phát triển, bụi bẩn tích tụ nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe đặc biệt là tóc và da đầu của bạn.

Để thực hiện quá trình làm sạch mũ bảo hiểm ¾, bạn cần chuẩn bị những vật dụng dưới đây:

  1. Một bình xịt nước hoặc vòi xịt.
  2. Dầu gội đầu. Bạn nên dùng loại hằng ngày mà bạn vẫn sử dụng, bởi chúng sẽ không gây kích ứng da.
  3. Một chiếc bàn chải đánh răng loại nhỏ, lông mềm.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Trước tiên, bạn tháo các phụ kiện được gắn trên nón như kính, camera hành trình… và cất sang một bên. Chuẩn bị một thau nước sạch và cho dầu gội vào, tạo bọt vừa phải, lưu ý không nên quá lỏng vì sẽ khó để khử trùng hết vi khuẩn.
  • Bước 2: Tiếp theo, bạn dùng bình xịt hoặc vòi để xịt nước thẳng vào mũ và nhớ xịt đều cả bên trong lẫn bên ngoài mũ bảo hiểm để rửa sạch lớp bụi bẩn. Tuy nhiên, bạn không nên xịt quá mạnh để tránh làm nón hư hỏng và trầy xước.
  • Bước 3: Nhúng trực tiếp mũ bảo hiểm vào thau xà phòng với nước bạn vừa chuẩn bị. Hãy nhấn đều và ngập hết mũ, đặc biệt là phần bên trong bởi lớp lót bên trong thường chứa nhiều vi khuẩn có thể gây bệnh da đầu.
  • Bước 4: Dùng bàn chải đánh răng chà rửa nhẹ nhàng cả trong lẫn ngoài mũ bảo hiểm, chú ý không bỏ sót bất kỳ chỗ nào và đừng nên chà quá mạnh.
  • Bước 5: Tiếp tục lấy vòi xịt xịt nước vào mũ để rửa trôi đi phần dầu gội, cứ tiếp tục rửa mũ bảo hiểm cho đến khi bọt xà phòng trôi hết.
  • Bước 6: Để ráo mũ bảo hiểm và đưa nón ra phơi ở khu vực có nhiều ánh nắng mặt trời nhất. Tốt nhất, bạn nên lật ngược mũ bảo hiểm lại, đưa phần lớp lót bên trong tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Cách này sẽ giúp nước bay hơi nhanh hơn cũng như mùi mồ hôi cũng sẽ bay mùi nhanh chóng. Lưu ý là phải lót thêm một chiếc khăn mềm bên dưới khi bạn muốn lật ngược nón bảo hiểm.

Sau khi mũ đã khô ráo thì bạn lắp lại các phụ kiện như ban đầu. Như vậy là bạn đã hoàn thành xong quy trình vệ sinh nón bảo hiểm ¾ một cách đơn giản và nhanh chóng.

Cách Vệ sinh mũ bảo hiểm ¾

Cách giặt nón bảo hiểm Sơn có thể tháo rời

Đối với các dòng nón bảo hiểm có thể tháo rời các bộ phận bên trong và bên ngoài, việc vệ sinh sẽ được tiến hành dễ dàng hơn.

Chi tiết các bước giặt nón bảo hiểm Sơn

  • Bước 1: Tháo rời từng bộ phận của mũ bảo hiểm

Đầu tiên bạn tháo rời các bộ phận trên nón như kính che (nếu có), quai, lưỡi trai, lớp vải đệm, lớp lót xốp bên trong nón. Ở bước này, bạn thực hiện nhẹ nhàng tránh gây ảnh hưởng hay hỏng hóc nón bảo hiểm.

  • Bước 2: Giặt lớp lót nón bảo hiểm

Đầu tiên bạn hòa tan một lượng vừa đủ bột giặt hoặc nước giặt với nước ấm, sau đó ngâm phần lớp lót xốp của nón vào trong từ 10 – 15 phút. Có thể dùng bàn chải đánh răng hoặc bàn chải lông mềm để làm sạch lót xốp. Phần quai cài và phần vải đệm dùng bột giặt pha với nước ấm để vệ sinh.

  • Bước 3: Vệ sinh kính và lưỡi trai của nón

Đối với phần kính (nếu có) và phần lưỡi trai của nón bảo hiểm, bạn có thể dùng nước lau kính xịt lên bề mặt, sau đó dùng khăn hoặc giấy lau đi. Đối với kính, bạn không nên dùng các sản phẩm tẩy rửa mạnh hay các vật dụng sắc nhọn, có tính ma sát cao để làm sạch.

  • Bước 4: Lau sạch phần vỏ mũ bảo hiểm

Ở bước này, bạn sẽ tiến hành làm sạch phần vỏ ngoài của nón bảo hiểm. Bạn dùng bột giặt hoặc nước rửa chén pha với nước ấm sau đó lấy khăn mềm nhúng vào và lau lên phần vỏ nón.

Lau đi lau lại nhiều lần đến khi các vết bẩn trên được làm sạch hoàn toàn. Với các dòng nón bảo hiểm có lỗ thông gió, bạn dùng tăm bông để làm sạch. Tuyệt đối không dùng hóa chất tẩy rửa mạnh vì sẽ khiến vỏ nón mất đi lớp sơn bảo vệ, dễ cũ và bám bẩn hơn trong thời gian tới.

  • Bước 5: Phơi khô mũ bảo hiểm

Sau khi hoàn tất công đoạn giặt nón bảo hiểm, bạn mang tất cả các bộ phận trên phơi tại khu vực khô ráo, thoáng mát. Với phần lót xốp, bạn không nên phơi trực tiếp dưới trời nắng nóng. Sau khi các bộ phận trên đã khô hoàn toàn, bạn lắp chúng lại như ban đầu là xong.

Cách giặt nón bảo hiểm Sơn có thể tháo rời

Cách giặt nón bảo hiểm nguyên khối

Mũ bảo hiểm nguyên khối không thể tháo rời là một trong những sản phẩm đặc trưng của các thương hiệu như Nón Sơn, Royal… Và có khá nhiều người thắc mắc về cách giặt nón bảo hiểm Sơn, Royal như thế nào? Đối với các sản phẩm nón bảo hiểm không thể tháo rời này, bạn làm sạch bằng phương pháp sau đây:

Pha bột giặt với nước ấm, sau đó dùng khăn nhúng vào để vệ sinh phần vỏ. Đối với phần vải trong nón, bạn kéo ra rồi dùng bàn chải mềm để làm sạch. Cuối cùng dùng máy sấy tóc để ở chế độ lớn nhất, gió mát để làm khô mặt bên trong của nón. Rất đơn giản đúng không?

Tuy nhiên, nếu bạn muốn giặt sạch sâu và diệt khuẩn cho những loại nón bảo hiểm cao cấp có thể tìm đến các dịch vụ giặt nón bảo hiểm chuyên nghiệp.

Cách giặt nón bảo hiểm nguyên khối