Phân tích đã xem xét 26 nghiên cứu được bình duyệt từ khắp nơi trên thế giới bao gồm hơn 5.600 bệnh nhân COVID-19 nhập viện. Những bệnh nhân uống kẽm và vitamin C đã làm như vậy sau khi nhập viện. Nghiên cứu cũng bao gồm những bệnh nhân dùng vitamin D trước khi dương tính với COVID-19, cũng như một số người bổ sung vitamin này sau khi nhiễm SARS-CoV-2.
Trong tất cả các tình huống này, vitamin dường như không làm giảm nguy cơ tử vong do COVID-19.
Thế nhưng, vitamin D làm giảm thời gian nằm viện nếu một người bắt đầu dùng bổ sung sau khi mắc COVID-19, trong khi kẽm và vitamin C thì không.
Chai chứa vitamin D dạng nhỏ giọt trong gia đình ở Mỹ
Tiến sĩ Azizullah Beran, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Toledo, cho biết cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để biết liệu vitamin D có phải là phương pháp điều trị COVID-19 hiệu quả hay không.
“Nếu nó cho thấy lợi ích ở những bệnh nhân có mức vitamin D bình thường, chắc chắn bạn có thể nói: Ồ, vitamin D có tác dụng”, Tiến sĩ Azizullah Beran nói.
Azizullah Beran nói thêm, hiện tại chỉ những bệnh nhân thiếu các loại vitamin này mới nên dùng chúng dưới dạng thực phẩm bổ sung.
Vitamin có thể hỗ trợ miễn dịch, nhưng không điều trị COVID-19
Các nhà khoa học thường nghiên cứu về kẽm, vitamin C và vitamin D liên quan đến các bệnh nhiễm trùng do vi rút.
Một số nghiên cứu cho thấy kẽm có thể ngăn không cho vi rút nhân lên và những quần thể có nguy cơ cao nhiễm vi rút như HIV hoặc viêm gan C thường thiếu kẽm. Vitamin C và D cũng có đặc tính chống viêm có thể giúp ngăn ngừa bệnh nặng.
Dựa trên kiến thức này, Tiến sĩ Azizullah Beran cho biết một số quốc gia đã quảng cáo “hỗn hợp vitamin” cho COVID-19. Vào thời kỳ đầu của đại dịch, Ai Cập đã yêu cầu các bác sĩ kê đơn vitamin D, vitamin C và kẽm cho những bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng.
“Vào thời điểm đó, không có đủ bằng chứng cho điều này, nhưng họ chỉ đưa ra kết luận dựa trên dữ liệu không liên quan COVID-19”, Tiến sĩ Azizullah Beran nói.
Kể từ tháng 8.2021, phác đồ điều trị COVID-19 của Ai Cập vẫn bao gồm kẽm và vitamin C. Ấn Độ cũng thường kê đơn vitamin C, vitamin D và kẽm cho bệnh nhân COVID-19, theo một bài xã luận tháng 6.2021 trên tờ The Lancet.
Thế nhưng, Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã không tìm thấy đủ bằng chứng để hỗ trợ vitamin C, vitamin D hoặc kẽm dưới dạng phương pháp điều trị bằng COVID-19.
Một tình nguyện viên y tế phân phối viên nén vitamin ở Ấn Độ – Ảnh: AFP
Tiến sĩ Azizullah Beran cho biết một số bệnh nhân tại phòng khám Ohio của ông vẫn tin rằng vitamin sẽ cải thiện các triệu chứng COVID-19.
Cũng không có bằng chứng cho những niềm tin đó: Một nghiên cứu vào tháng 2.2021 cho thấy bổ sung kẽm và vitamin C không làm giảm các triệu chứng COVID-19 cũng như không dẫn đến phục hồi nhanh hơn.
Uống quá nhiều chất bổ sung cũng có thể dẫn đến các tác dụng phụ không cần thiết và đôi khi nguy hiểm. Liều cao vitamin C có thể gây tiêu chảy và buồn nôn. Trong khi liều cao vitamin D có thể gây buồn nôn, nôn mửa, tổn thương thận hoặc viêm tụy.
Bệnh nhân COVID-19 bị thiếu vitamin có thể được hưởng lợi từ các chất bổ sung
Nghiên cứu của Tiến sĩ Azizullah Beran không xem xét liệu những bệnh nhân nhập viện có thiếu một số loại vitamin trước khi họ mắc COVID-19 hay không. Với những bệnh nhân COVID-19 thiếu hụt vitamin, việc dùng chất bổ sung có thể giúp ích cho hệ thống miễn dịch của họ, nhưng điều đó không giống như phương pháp điều trị trực tiếp cho COVID-19.
Tiến sĩ Azizullah Beran nói: “Có dữ liệu mạnh mẽ về mối liên quan giữa việc thiếu hụt vitamin D và kết quả tồi tệ hơn của COVID-19”.
Một nghiên cứu vào tháng 9.2020 cho thấy những người thiếu hụt vitamin D có nguy cơ cao hơn khi xét nghiệm dương tính với COVID-19. Một nghiên cứu gần đây của Israel cũng chỉ ra khoảng một nửa số người thiếu vitamin D trước khi mắc COVID-19 phát bệnh nặng, so với dưới 10% những người có đủ lượng vitamin D trong máu của họ.
Azizullah Beran nói những bệnh nhân bị thiếu hụt vitamin nên dùng chất bổ sung để phục hồi các chất dinh dưỡng thiết yếu này.
Ông nói: “Nếu ai đó nhập viện vì COVID-19 và tình cờ bạn phát hiện ra rằng người này thiếu vitamin D trầm trọng, việc điều trị bằng vitamin D sẽ có ích”.
Azizullah Beran nói thêm rằng vắc xin vẫn là công cụ quan trọng nhất của chúng ta để ngăn ngừa COVID-19 nghiêm trọng và steroid là phương pháp hiệu quả để điều trị bệnh này.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, hai tuần sau khi tiêm, mũi vắc xin Pfizer/Moderna tăng cường làm giảm ít nhất 90% nguy cơ nhập viện do COVID-19.
Những cách bổ sung vitamin D đơn giản và an toàn
Thực tế đã cho thấy nguồn vitamin D dồi dào nhất chính là từ ánh sáng mặt trời, song việc tiếp xúc quá lâu dưới nắng có thể gây nguy hiểm cho da hoặc bị say nắng. Để bổ sung vitamin D đúng cách, bạn có thể tham khảo những phương pháp dưới đây:
1. Sử dụng thực phẩm chức năng
Lựa chọn thực phẩm chức năng để bổ sung các loại vitamin là cách nhanh chóng mà nhiều người áp dụng như một phần quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe. Hiện nay, các loại thực phẩm chức năng được bày bán trên thị trường để hỗ trợ bổ sung loại vitamin này rất nhiều bao gồm vitamin D2, D3 hoặc hỗn hợp. Trước khi sử dụng, bạn cần phải được kiểm tra, thăm khám của bác sĩ chuyên khoa, từ đó đưa ra phương pháp cũng như sản phẩm phù hợp nhất.
Trước khi sử dụng, bạn cần nói với bác sĩ về sức khỏe cơ thể, các loại bệnh lý đang mắc phải, thuốc đang uống,… để đảm bảo an toàn.
Bạn nên uống thực phẩm bổ sung vitamin D vào buổi sáng, không dùng chung với cà phê, trà hay thực uống có gas, cồn vì sẽ ngăn cản quá trình hấp thu.
2. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời đúng cách
Bạn cần phải tận dụng tối nguồn vitamin D phong phú từ ánh nắng mặt trời nhưng phải lưu ý một số vấn đề sau để bảo vệ da:
Bạn nên chỉ dành khoảng từ 10 – 20 phút để phơi nắng, chỉ nên tiếp xúc với ánh nắng lúc sáng sớm hay gần trưa vì lúc đó ít tia cực tím, 1 tuần có thế tắm từ 2 – 3 lần.
Trước khi tiếp xúc, cần thoa kem chống nắng để bảo vệ da tránh các tác động của tia cực tím.
3. Cung cấp vitamin D qua thức ăn
Dù không thể đáp ứng hết, thực phẩm chứa vitamin D cũng rất cần thiết để giúp cơ thể tổng hợp loại dưỡng chất này mỗi ngày. Những loại thực phẩm là nguồn cung cấp vitamin D mà bạn nên sử dụng trong mỗi bữa ăn như dầu gan cá, trứng, phomai, bơ thực vật, cá hồi, cá trích, cá ngừ, cá thu… Thêm sữa, ngũ cốc để bổ sung hàm lượng vitamin D cũng là cách hiệu quả, vừa an toàn lại tốt cho sức khỏe.
4. Hạn chế các loại thực phẩm chứa caffein
Cafein có thể nói là kẻ thù của vitamin D bởi chất này có thể gây ức chế sự hấp thụ, tác động tiêu cực đến nồng độ canxi trong cơ thể. Vì vậy, bạn nên hạn chế các sản phẩm bao gồm cà phê, trà,… để giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn nguồn vitamin D khi được bổ sung.
Những cách bổ sung vitamin D trên chỉ mang tính chất tham khảo và hỗ trợ. Biện pháp tốt nhất vẫn là đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám tình trạng cơ thể, từ đó đưa ra hướng bổ sung phù hợp và an toàn nhất.